10 dấu hiệu báo trước sự sụp đổ của doanh nghiệp

Nhận kết quả khám tổng quát của Vinmec, tôi lững thững bước vào phòng tư vấn của bác sỹ. Cũng như mọi lần lại là cái checklist quen thuộc về đủ các loại xét nghiệm. Trong đầu với hàng tá thứ phải suy nghĩ thời gian đâu mà chú ý mấy cái tờ giấy ấy.

“Máu nhiễm mỡ”, lời bác sỹ vang lên, tôi không mấy chú ý vì đã quá quen thuộc rồi, đã 3 năm nay chưa có gì mới cả. Im lặng một hồi chăm chú nhìn tờ giấy, liếc tôi vài cái như thế để lấy thêm thông tin, vị bác sĩ với cặp mắt kiếng tụt sát xuống sống mũi nói: “tim có vấn đề”.

Chết thật, cái này thì tôi run thật rồi, kiểu như đối với tôi tim là thứ tối kỵ ấy. Giọng run run tôi hỏi bác sỹ về vấn đề của mình. Tôi mới chỉ có 1 vợ và 1 con, tôi muốn phải có số 2 cơ, …… Vẫn cái phong thái điềm tĩnh đến vô tình ấy, bác sỹ chốt hạ câu “Cần quan sát thêm, lo tập thể dục, mọi thứ đều ổn” và rồi hướng dẫn tôi xem cái checklist, nói tôi về đối chiếu chỉ số qua các năm để xem tình hình.

Về nhà tôi lật hết những thông số của những năm trước ra và xem chăm chú, chỗ nào không hiểu tôi call lũ bạn làm bác sỹ của mình. May mắn là bình thường tôi hướng dẫn tận tình tụi nó trong mảng đầu tư nên bây giờ tụi nó thông não mình nhiệt tình không kém.

Tựu lại, Qua cảm ơn anh em đã bên Qua lúc hiểm nghèo nhất. Để tỏ lòng cảm ơn, Qua xin hậu tạ lại anh em một cái checklist bên đầu tư, 10 gạch đầu dòng này sẽ giúp anh em thiện lành có thêm cơ sở để phát hiện những doanh nghiệp đang lâm “trọng bệnh”. Qua tin anh em sẽ cần nó giống như Qua cần cái checklist thông số sức khỏe vậy.

1️⃣ Đầu tiên anh em nên cẩn thận với những doanh nghiệp có sự mất cân đối dòng tiền trong thời gian dài.

Một doanh nghiệp sẽ có 3 dòng tiền vào ra. Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh, dòng tiền tài chính và dòng tiền đầu tư. Cái tôi muốn thấy nhất là dòng tiền từ hoạt động kinh doanh phải thường xuyên dương một cách hợp lý. Dòng tiền này mạnh mẽ sẽ giúp doanh nghiệp có tiền trả bớt những nghĩa vụ từ dòng tiền tài chính và có thêm động lực tích lũy phương tiện sản xuất trong hoạt động đầu tư.

Hãy nhớ dòng tiền kinh doanh âm chưa chắc đã là xấu, nhưng nó chắc chắn là xấu khi anh em nhìn thấy những điều sau đây: Doanh nghiệp sử dụng dòng tiền tài chính ngắn và trung hạn đề tài trợ dòng tiền đầu tư dài hạn trong khi dòng tiền kinh doanh quá yêu, hoặc doanh nghiệp đang ở thời kỳ đỉnh cao trong chu kỳ kinh doanh của mình nhưng dòng tiền kinh doanh vẫn yếu.

Cái chết của Tăng Minh Phụng vào năm 2003 và sự thống khổ mà Bầu Đức phải nếm trải cùng Hoàng Anh Gia Lai trong 4 năm gần đây là minh chứng rõ ràng nhất cho điều tôi đang nói ở trên. Tôi có thể liệt kê hàng tá doanh nghiệp có cùng dấu hiệu này và những công ty này sớm muộn gì cũng gây ra những cơn đau đầu kinh niên cho cổ đông của mình.

2️⃣ Thứ đến là bộ máy kế toán yếu kém.

Lỗi đánh máy hay sai sót chứng từ là điều tối kỵ trong kế toán nhưng sự việc tương tự thế này vẫn xuất hiện như cơm bữa trên thị trường chứng khoán. Chưa biết là vô tình hay cố ý, tôi cũng sẽ cắm cờ đỏ cho những doanh nghiệp thế này.

Khó có thể chối cãi Báo cáo tài chính là thứ quan trọng bậc nhất giúp nhà đầu tư đánh giá doanh nghiệp, nó cũng là thứ quan trọng bậc nhất giúp ban lãnh đạo có cơ sở để đánh giá về hoạt động kinh doanh của mình, từ đó biết cái gì hiệu quả, cái gì yếu kém mà đưa ra chiến lược kinh doanh. Nếu đến thứ quan trọng như vậy mà doanh nghiệp cũng không thể làm cho tốt thì tôi tin họ sẽ không thể làm tốt những thứ mà cổ đông mong muốn và sớm muộn gì những con số sai lệch ấy cũng sẽ là con dao đâm chí tử doanh nghiệp.

Anh em cũng đừng quên kiểm tra xem trong 10 năm gần nhất thì báo cáo trước và sau kiểm toán có thường xuyên bị lệch nhau hay không. Nếu điều này diễn ra khoảng 2-3 năm một lần thì tôi có thể chứng minh bằng con số cho anh chị thấy 9/10 doan nghiệp vướng ba cái này sẽ sớm sụp đổ. Điều xấu ai cũng muốn che giấu, nhưng nếu che giấu không được thì nó là dấu hiệu rõ nhất thể hiện rằng họ đã không thể kiểm soát nổi sổ sách của chính mình.

3️⃣ Thay đổi kiểm toán liên tục hoặc bị kiểm toán nêu ý kiến về khả năng hoạt động liên tục.

Anh em kiểm toán ngoài việc được thuê về làm theo nhiệm vụ chính của mình thì cũng không bao giờ quên một nhiệm vụ bonus là tư vấn cho doanh nghiệp những điều mà “cả 3 bên đều muốn nhìn thấy”. Chính vì “mỗi quan hệ cộng sinh” đó mà thông thường các công ty hiếm khi nào thay đổi đơn vị thực hiện kiểm toán cho mình, vì vậy một sự thay đổi đột ngột và thường xuyên đơn vị kiểm toán độc lập là dấu hiệu cho thấy có gì đó bất ổn đang xảy ra.

Ngoài ra anh em cũng đừng quên ngó qua phần ý kiến của kiểm toán viên, tôi sẽ sớm ngồi viết một bài về các loại ý kiến của kiểm toán viên đến anh chị em. Anh em cứ hình dung nếu như ông kiểm toán không thể “tư vấn”cho doanh nghiệp được thì hàng loạt ý kiến sẽ được nêu ra ở đó. Điều đáng sợ nhất là kiểm toán nêu ý kiến về sự nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục của doanh nghiệp. Nếu ông bạn nào mà bị note như vầy thì tin buồn cho cổ đông của họ là điều gần như chắc chắn.

Quay lại tí, lúc này mà anh em nào còn không biết ý kiến kiểm toán nằm đâu trên báo cáo tài chính thì nguy hiểm à nha. Đừng quên số tiền anh em đầu tư là mồ hôi sương máu của cả gia đình anh em.

4️⃣ Nhịp gõ thứ tư là Sự bất thường diễn ra thường xuyên trên báo cáo tài chính

Không biết viết ý này làm sao cho anh em dễ hiểu. Đại ý là các cụ nhà ta có câu: “Khi những điều bất thường trở thành điều bình thường thì sẽ sớm có gì đó xảy ra”. Dĩ nhiên là về khách quan thì điều xảy ra đó có thể là tốt hoặc xấu. Tuy nhiên với kinh nghiệm làm tư vấn doanh nghiệp nhiều năm thì với tôi 99% là xấu rồi đấy.

Ví dụ không xa như một loạt doanh nghiệp công bố lợi nhuận tăng trưởng khủng trong khi các anh em cùng ngành vật vờ lết đi. Hãy soi thật kỹ xem lợi nhuận đó có đến từ những khoản lợi nhuận tài chính hoặc lợi nhuận khác không? Có nhiều doanh nghiệp làm bên sản xuất thương mại mà nhìn cơ cấu lợi nhuận cứ như anh Holding ấy. Hoặc họ là siêu nhân đầu tư hoặc họ là siêu lừa thế kỷ.

Một số hiện tượng bất thường khác anh em cũng nên chú ý như: Tăng vốn quá nhanh, giá thị trường 4-5 ngàn nhưng bán 10 ngàn vẫn có người mua, biên lãi cao một cách bất thường, công ty bé hạt tiêu nhưng ôm trong mình hàng tá dự án khủng của khủng…. Liệt kê ra thì nhiều lắm, nhưng anh em phải cố gắng liệt kê ra, mấy cái này xuất hiện ở Việt Nam phổ biến như mối sau mưa vậy.

5️⃣ Lách cách bán đi phương tiện sản xuất chính của mình.

Nói vui chứ Tắt Đèn của Ngô Tất Tố lột tả khá rõ điều này. Để nộp tiền sưu thuế, chị Dậu phải chạy vạy khắp nơi vay tiền nhưng không kiếm đâu ra. Anh Dậu dù bị ốm nhưng vẫn bị bọn cai lệ cùm kẹp lôi ra giam ở đình làng. Và rồi bần cùng quá, chị buộc lòng phải dứt ruột bán đi cái Tí, đứa con gái đầu lòng 7 tuổi ngoan ngoãn, hiếu thảo và ổ chó mới đẻ cho vợ chồng lão Nghị Quế để lấy hai đồng nộp sưu.

Nhiều doanh nghiệp sau một thời gian kinh doanh không hiệu quả bị lâm vào tình thế giống như chị Dậu vậy, phải chấp nhận bán đi những thứ là “tương lai” của mình. Tôi đồng ý rằng việc doanh nghiệp bán tài sản, thực hiện tái cơ và hồi sinh là có, nhưng đừng ảo tưởng, số đó là rất rất ít. Đa phần các doanh nghiệp khi đã lún đủ sâu để thấy mình sai lầm thì gần như là không thể quay đầu, việc bán bớt tài sản cũng chỉ giúp doanh nghiệp sống lây lất hoặc kéo dài sự sống được vài năm trước khi điều gì đến cũng phải đến. Bậc thầy đầu tư Warren Buffet từng nói: “Nếu bạn thấy mình ở trên một chiếc thuyền liên lục bị thủng, thì công sức dùng để đổi sang thuyền mới sẽ có lợi hơn là dùng nó vào việc vá lỗ thủng”.

Thời gian gần đây đang xuất hiện mốt sử dụng phương thức Sale and Lease-Back, hay còn gọi là nghiệp vụ bán và tái thuê. Hàng loạt ông lớn tận dụng để làm mình trở lên đẹp đẽ hơn trong mắt các nhà đầu tư. Hãy tỉnh táo nếu doanh nghiệp bạn đang đầu tư sử dụng quá thành thục nghiệp vụ này, nó là con giao hai lưỡi, đừng biến thời gian thành kẻ thù của bạn.

Bài viết còn tới 5 cái “cờ đỏ” phải liệt kê tiếp nhưng xin nợ lại anh em 1-2 ngày tới. Giờ đến khung giờ thiêng rồi và đầu óc cũng yêu cầu phải nghỉ ngơi nên mạn phép chưa thể viết tiếp. Anh em thiện lành thấy chỗ nào tôi chưa đúng thì xin góp ý, chỗ nào cần bổ sung thì bổ sung giúp. Thế giới quả là rộng lớn và chúng ta có rất nhiều điều phải học.

Trần Ngọc Báu

Viết cho vui!

Related Posts

Theo dõi
Thông báo của
guest
5 Góp ý
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Lum
Lum
1 năm trước

Phần 2 của bài viết này ở đâu vậy ạ ?

Bảo
Bảo
1 năm trước

Em không thấy 5 điều còn lại anh ơi :3

Bùi Hải
Bùi Hải
1 năm trước

Bài viết của anh tuyệt vời ạ. Em là một F0, dân ngoại đạo không thể nào hiểu sâu sa được những cái kinh nghiệm của anh đã chia sẻ về doanh nghiệp như vậy. Qua đây em hiểu được là còn quá nhiều góc khuất mà một nhà đầu tư mới F0 như em phải liên tục đào bới học hỏi. Cảm ơn anh rất nhiều và chúc anh sức khỏe, thành công. Mong anh chia sẻ thêm nhiều kinh nghiệm quí báu cho mọi người ạ!

Trần Hải Bằng
Trần Hải Bằng
1 năm trước

Bài viết của bạn hay quá, mình muốn xem tiếp phần 2 nhưng không thấy lưu. Nếu không phiền nhờ bạn cho mình xin link để xem tiếp phần 6-10

HƯng
HƯng
11 tháng trước

em chào anh, em không tìm thấy bài viết tiếp theo, xin cho em link tham khảo được không a

5
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x