Cách đây tầm 3 hay 4 năm gì đó, mình và anh em Fina có làm hội thảo về đọc nhanh báo cáo tài chính ở Sài Gòn. Nhìn chung thì hội thảo thành công về số lượng nhưng chất lượng thì mình không happy. Mặc dù nhận được nhiều lời khen nhưng toàn của gà nhà, kiểu như em múa võ anh chị khen hay vậy.
Có lẽ vì hồi đó năng lực cũng còn hạn chế và thời gian làm cũng gấp rút nên anh em cũng lơ tơ mơ nhiều thứ. Âu cũng là có cố gắng cho một “phiến quân”.
Bây giờ thì “cơm áo chẳng đùa với khách thơ” không có thời gian để làm những mini talk nữa, công nghệ 4.0 của Việt Nam giờ đã phủ ra cả Hoàng Sa và Trường Sa rồi. Ngòi bút đang là thứ ngày càng thể hiện uy lực của nó so với các kênh khác.
Nhân một ngày bình thường như bao ngày khác, cây bút này sẽ nói về 3 bước để luộc báo cáo tài chính nhanh như pha một tô mì vậy (nhớ là mì ăn liền thì luôn có nhược điểm của nó nhé, vấn đề này sẽ bàn trong bài sau, bài này thì cứ nâng bi cái đã). Bắt đầu thôi!
Bước 1: Trước khi nhanh thì phải biết cái đã
Nghe như đấm vào tai vậy, mày nói cái câu mà củ trỏ cũng biết. Ấy vậy mà vẫn có rất nhiều người mắc sai lầm đầu tiên này, không hiểu về các khoản mục trên BCTC mà cứ muốn đọc nhanh BCTC, kiểu như không biết lái xe mà vẫn muốn làm huyền thoại Lewis Hamilton.
Bước này không dễ nhai, may mắn là bạn có 3 sự trợ giúp: (1) Mua sách về BCTC, Tiki đầy, anh Sơn Trần sẵn sàng trợ giúp bạn bất cứ khi nào bạn cần, gợi ý thêm là cách này chống chỉ định với người lười. (2) Đọc bài viết của những người có chuyên môn – Mình đánh giá cao bài viết này của các bạn bên Govalue: https://govalue.vn/bao-cao-tai-chinh/, đọc thử đi. Thứ bạn đọc đôi khi chỉ là vài dòng chữ nhưng bên trong nó là kiến thức và kinh nghiệm của hàng chục năm săm soi. (3) Tham gia các khóa học về đọc hiểu BCTC, nhớ chọn ông nào đứng lớp có năng lực tí, hiện tại trên thị trường không thiếu khóa học, tuy nhiên Lý Thông thì ít mà Thạch Sanh thì nhiều, đừng quên tham khảo FinaEdu, thằng Báu nghe nói cũng là anh em kết nghĩa với anh Thạch nhà bác Sanh đấy.
Túm cái váy lại thì nếu bạn không biết Tồn kho là gì, Tài sản dở dang là gì, Lợi ích cổ đông thiểu số là gì,….. và nghĩ nát óc cũng không ra bên trong những thứ này là gì thì …… Đừng quên rằng các bạn 3 sự trợ giúp phía trên.
Bước 2: Xác định “chỗ ngứa” cần xử lý.
Nhiều người mắc sai lầm là đọc BCTC cứ cắm đầu đọc từ A-Z. Riêng khoản này thì đừng nghe lời Warren Buffett, thời ổng khởi nghiệp thì làm gì đã có 4.0 như cánh mình bây giờ. Để đọc nhanh và chuẩn, hãy áp dụng quy luật của các cụ là “gãi đúng chỗ ngứa”, ở tây người ta gọi mĩ miều là quy luật 80:20.
Vậy làm sao bạn biết chỗ nào là “chỗ ngứa” của một cổ phiếu. Không khó đâu, cứ làm 3 gạch đầu dòng này là ra.
[Gạch đầu dòng 1] – Bạn đầu tư cổ phiếu đó vì nó thuộc dạng cổ phiếu nào: Tăng trưởng dài hạn, giá trị hay lướt sóng? Với cổ phiếu tăng trưởng dài hạn thì Dupont phải xử đầu tiên, trong quá trình xử lý Dupont bạn hữu xạ tự nhiên hương xử lý cân đối kế toán và báo cáo thu nhập, ông nào Dupont đẹp trong thời gian dài thì bạn yên tâm là cân đối kế toán và dòng tiền sẽ ổn hết thôi. Với cổ phiếu giá trị, quên Dupont đi, quên doanh thu lợi nhuận đi. Chỉ tập trung vào 2 thứ, tài sản – nguồn vốn (phương pháp Net net) và dòng tiền (phương pháp chiết khấu). Còn đối với cổ phiếu lướt sóng thì đọc cái gì? Đọc cái ở dưới mình sẽ nói.
[Gạch đầu dòng 2] – Công ty bạn đang đọc kinh doanh theo mô hình gì? Holdings, Sản xuất, dịch vụ hay thương mại. Hãy nhớ là tồn kho và phải thu lớn là xấu hay tốt thì còn tùy mô hình. Dòng tiền âm là tốt hay xấu thì còn tùy vào mô hình. Và thậm chí tỷ trọng lợi nhuận tài chính nhiều là tốt hay xấu cũng còn tùy mô hình kinh doanh. Nhiều người ghét PNJ và MWG vì tồn kho ngập mặt và dòng tiền yếu, nhưng bạn phải hiểu rằng khi nào tồn kho tụi này ngừng tăng và dòng tiền kinh doanh trở lên mạnh mẽ sẽ là tin buồn với cổ đông của 2 ông này. Hay như tình huống của VEA và REE, nếu bạn cứ quá định kiến với những công ty không có nhiều lơi nhuận đến từ sản xuất thì bạn đã hiểu sai và bỏ lỡ mất 2 cơ hội rất hấp dẫn này rồi.
[Gạch đầu dòng 3] – Nếu bạn không biết cổ phiếu mình đang xem là dạng cổ phiếu nào, cơ hội ở đâu, mô hình kinh doanh là gì thì cứ “to mà quất”, bí quyết ở đây là chỉ tập trung 3 thằng to nhất, đừng tham. Bạn để nhiều tài sản ở đâu, tương lai tài chính bạn ở đó, công ty cũng thế, họ để nhiều tài sản ở đâu, gần như đó sẽ là thứ quyết định sống hay chết của công ty trong tương lai. Quan trọng như thế mà không xử là có tội với vợ con.
Okie rồi, mình phán đại rằng nếu bạn chịu khó xác định được “chỗ ngứa” và tập trung vào “chỗ ngữa” thì nó sẽ giúp bạn tiết kiệm được 80% thời gian cho việc đọc báo cáo tài chính. Nghe thì Hư Trúc nhưng lại rất Mộ Dung Phục. Ông nào đi tán gái mà gãi đúng chỗ ngứa thì ăn tiền chứ gãi sai là xác định chỉ có ăn t….. Vậy cho nên chịu khó “tìm chỗ ngứa trước khi gãi”
À, đừng quên công đoạn cuối cùng của bước 2 là rà rủi ro. Về khâu rà rủi ro này thì mình có không dưới 3 bài viết về chủ đề này, trong đó bài https://tranbau.com/10-dau-hieu-bao-truoc-su-sup-o-cua/ mình nghĩ là sát sườn nhất, còn lại các bạn đọc tag “gian lận tài chính” sẽ thấy cả mớ bài.
Vắn tắt thì để rà rủi ro nhanh mà vẫn rất hiệu quả thì có 3 cái test: (1) Rà tốc độ tăng vốn so với tiến trình sử dụng vốn và hiệu quả sử dụng vốn, cách này rà hàng rởm thì khó thoát (2) Sự cân đối giữa dòng tiền và lợi nhuận, cách này nhìn nhanh nhưng chưa chắc chuẩn, cứ nhìn cách FLC làm là biết (3) Phải thu và tiền mặt chiếm tỷ trọng cao trong một thời gian dài, 2 khoản mục này là làm giả nhanh nhất với chi phí thấp nhất, các anh dĩ nhiên là thích sài nhất.
Bước 3: Phân loại và ghi chú cho cổ phiếu đã đọc
Đây là thói quen sống còn để đọc nhanh BCTC khi mà số lượng cổ cánh trên 3 sàn giờ đã lên tới gần 1,600. Nhiều lúc đọc thằng XXX xong thì quên lý mất thằng AAA nó có gì, vậy cho nên phải ghi chú và phân loại lại mới nhớ được.
Trên bàn mình có 3 cái hộp lưu trữ Ticker Note về các cổ phiếu mình đã đọc. Hộp đầu mình dán tên là “Đáng đọc – Có cơ hội đầu tư”. Hộp thứ hai là “Đáng đọc – Chưa có cơ hội đầu tư”. Hộp thứ ba “Hàng rác – Tránh xa”. Trong tương lai có đọc lại về một cổ nào đó thì mình cứ lấy tick note ra mà chiến, nếu nó nằm trong hộp thứ 3 thì khỏi đọc, mất thời gian, ROS mà có cơ hội đầu tư tăng trưởng và giá trị trong tương lai thì mình xin hứa sẽ “rửa chén cho vợ 1 năm”.
……….. Chém gió tí chứ thú thực là 4.0 rồi, ai lại dùng hộp giấy như thời Buffett và Munger, thằng con nó lớ ngớ mang ra đốt thì toi đời thằng bố. Từ năm 2019 này mình đã chuyển sang sài chức năng Danh Mục của FinaPro rồi. Chỉ 1 click chuột, thế giới danh mục trong tầm tay.
Nhìn chung là cứ làm 3 bước này, việc đọc báo cáo tài chính của bạn sẽ tiến triển rất nhanh và hiệu quả. Nghe hơi Hư Trúc nhưng sực thực đã chứng minh đọc là thứ chi phối quyết định đầu tư “đã 2 triệu năm” rồi, nhưng có hàng ngàn báo cáo tài chính ngoài kia mà bạn không đọc nhanh được thì cũng phê phết đấy. Vậy cho nên, hãy bước … từng bước một.
Thực sự rất hữu ích. Cảm ơn anh Báu