Bảng xếp hạng các Công ty kiểm toán tại Việt Nam năm 2017

Khi đầu tư chứng khoán việc xác nhận tính tin cậy của những con số trong báo cáo tài chính là một công việc vô cùng quan trọng. Nhà đầu tư gần như không thể tiếp cận với những giấy tờ sổ sách nội bộ của doanh nghiệp nên kiểm toán độc lập là đơn vị chịu trách nhiệm thay mặt nhà đầu tư kiểm tra tính “trung thực và hợp lý” của những con số do chủ doanh nghiệp lập ra.

Mặc dù việc lựa chọn đơn vị kiểm toán là một nội dung trong đại hội cổ đông thường niên nhưng người trực tiếp trả thù lao và đứng ra làm việc với đơn vị kiếm toán lại là chủ doanh nghiệp nên không tránh khỏi những kẽ hở về đạo đức của chính đơn vị kiểm toán trong quá trình tác nghiệp. Thực tế chúng ta rất khó để biết đơn vị kiểm toán nào là trung thực và có năng lực, tuy nhiên không khó để nhận ra rằng những đơn vị có xác xuất về năng lực cao và rủi ro đạo đức thấp thường là những đơn vị kiểm toán sở hữu tiềm lực tài chính mạnh, đội ngũ nhân sự lớn, thương hiệu lâu năm.

Đã đến lúc nhà đầu tư cũng cần chú ý đến năng lực của cả đơn vị kiểm toán. Bài viết dưới đây được dẫn nguồn từ CPAVN, xếp hạng 166 doanh nghiệp kiểm toán tại Việt Nam theo 4 tiêu chi khác nhau: Doanh thu, Doanh thu/ 1 khách hàng, Số nhân viên, Doanh thu/ 1 nhân viên.

Xếp hạng công ty theo doanh thu

Đứng đầu vẫn là 4 Công ty Big 4 theo thứ tự là: E&Y, PwC, Deloitte và KPMG với thị phần là 49,78% doanh thu toàn ngành. Thứ tự xếp hạng các Công ty Big 4 của Việt Nam có khác với thứ tự xếp hạng theo doanh thu toàn cầu do IAB công bố tại vị trí của E&Y và Deloitte (tại Bảng xếp hạng doanh thu toàn cầu, Deloitte xếp vị trí thứ 1 và E&Y xếp vị trí thứ 3). Trong nhóm Big 4 tại Việt Nam, doanh thu của KPMG bị tụt xuống khá sâu so với 3 “Big” còn lại, xấp xỉ khoảng 50% so với 3 “Big” trên.  

Xếp hạng công ty theo doanh thu trên 1 khách hàng

Đứng đầu theo chỉ tiêu này vẫn là các Công ty thuộc khối Big 4 theo thứ tự là: Deloitte (456 triệu/khách hàng, PwC (440 triệu/khách hàng), E&Y (378 triệu/khách hàng) và KPMG (310 triệu/khách hàng). Bảng xếp hạng chỉ tiêu này thì các vị trí đứng đầu ngoài Big 4 còn có một số Công ty nhỏ có số lượng khách hàng ít và doanh thu nhỏ.  

Xếp hạng công ty theo số nhân viên

Theo số liệu được đưa ra từ Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2017, số người có chứng chỉ KTV Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp kiểm toán là 2,083 người (tăng 5.5% so với năm 2016), trong đó có 2,056 người Việt Nam và 27 người nước ngoài. Số KTV hành nghề đủ điều kiện ký báo cáo kiểm toán là 1,948 người.

Tổng số lượng nhân viên chuyên nghiệp tại 166 công ty kiểm toán được thống kê là 11,056 người, trong đó đứng đầu vẫn là các Công ty Big 4 (chiếm 28.5% số lượng nhân viên chuyên nghiệp toàn ngành). Tuy nhiên, tỷ lệ KTV hành nghề tại các Công ty Big 4 chỉ chiếm khoảng 14.3% số lượng KTV hành nghề toàn ngành.  

Xếp theo hiệu quả doanh thu trên 1 nhân viên

Xét theo hiệu quả doanh thu trên nhân viên, ngoại trừ số liệu bị nhiễu bởi các Công ty kiểm toán siêu nhỏ (dưới 10 nhân viên) thì đứng đầu vẫn là các Công ty Big 4. Cụ thể: 1 nhân viên trong năm 2017 đem lại cho PwC 1,291 triệu đồng doanh thu, con số này tại Deloitte là 1,054 triệu đồng, E&Y là 893 triệu đồng và KPMG là 875 triệu đồng.

Trong danh sách này cũng có một số Công ty kiểm toán trong nước có hiệu quả doanh thu trên nhân viên tương đối cao như TND (852 triệu), AAFC (825 triệu), Việt Úc (775 triệu), An Việt (722 triệu). Đáng chú ý là những công ty trong nước có số lượng nhân viên lớn chỉ xếp sau Big 4 như AASC (408 nhân viên), A&C (385 nhân viên), RSM Việt Nam (233 nhân viên) lại có chỉ tiêu này chưa được cao, cụ thể AASC đạt 449 triệu/nhân viên, A&C đạt 347 triệu/nhân viên và RSM đạt 430 triệu/nhân viên. Điều này cho thấy áp lực về doanh thu trên quy mô tại các công ty trong ngành.  

Note: Những con số trên đây là vô cùng giá trị, tuy nhiên doanh thu và số nhân viên được thống kê ở trên bao gồm tất cả các hoạt động, trong đó có hoạt động kiểm và các hoạt động phụ trợ khác của đơn vị kiểm toán. Chính vì thế số liệu tổng kết này chưa thực sự phản ánh chính xác vị thế của các doanh nghiệp.

Nguồn: CPAVN – Tổng hợp từ Báo cáo tổng kết hoạt động năm 2017 của Bộ Tài chính

Trần Ngọc Báu

Viết cho vui!

Related Posts

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x