Cuộc chiến thương mại Mỹ Trung – Phần 2: Vở diễn của Trump

Khi tranh cử, Trump từng cáo buộc Bắc Kinh là “kẻ gian lận” và là “kẻ trộm lớn nhất trong lịch sử thương mại thế giới”. Trump tuyên bố Trung Quốc là “nước thao túng tiền tệ” ngay ngày đầu tiên ông làm tổng thống và Trump tin rằng việc thao túng tiền tệ của Trung Quốc về cơ bản là một kiểu “chơi xấu” cần phải “dạy bảo”. Đây được cho là lý do Trump khơi mào cuộc chiến tranh thương mại, nhưng đó mới chỉ là “bề nổi” của tảng băng chìm, điều thực sự đứng đằng sau quyết định của Trump lại là một câu chuyện khác, hiểu được điều này sẽ đoán được phần nào kết cục của cuộc chiến thương mại Trung Mỹ.

Vấn đề cốt lõi đối với thâm hụt kinh niên của Mỹ là ở chính nội tại quốc gia này chứ không phải hoàn toàn từ phía Trung Quốc như Trump biện dẫn. Thực tế, nước Mỹ “vĩ đại” của Trump không chỉ thâm hụt thương mại lớn với Trung Quốc, mà còn với cả các nước đồng minh và đối tác thương mại khác ở Châu Á. Vậy tại sao vấn đề lại nằm ở chính nước Mỹ chứ không phải Trung Quốc?

Để hiểu được điều này chúng ta cùng đi mổ xẻ theo hướng khô khan một chút.

(1) Cán cân thương mại = GDP – Chi tiêu hộ gia đình – Chi tiêu chính phủ – Đầu tư  

(2) Tiết kiệm quốc gia = GDP – Chi tiêu hộ gia đình – Chi tiêu chính phủ

Từ (1) và (2) ta suy ra: Cán cân thương mại = Tiết kiệm quốc gia – Đầu tư  

Không giống như trong quá khứ, phần lớn thâm hụt thương mại trong thời đại toàn cầu hóa đã không còn liên quan nhiều tới thao túng tiền tệ hay bất bình đẳng thuế xuất nhập khẩu. Các dòng vốn đầu tư bây giờ đã lớn hơn rất nhiều các dòng vốn thương mại. Khi một quốc gia nhập khẩu tiết kiệm thì bản thân họ phải hiểu cán cân thương mại của họ sẽ bị âm, nếu tiết kiệm thấp kinh niên trong khi không thu hẹp đầu tư tư nhân thì thâm hụt thương mại cũng trở thành “kháng chiến trường kỳ”. Mỹ là một ví dụ điển hình nhất cho cái bẫy này.

Hậu quả từ việc duy trì chính sách nới lỏng quá độ và tâm lý ưa vay mượn đã đẩy tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ giảm xuống chưa đầy 2% GDP. Ở phía ngược lại, Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thế giới, lên tới gần 50% GDP. Với con số này không khó để nhìn thấy vấn đề thâm hụt thương mại của Mỹ là khó tránh khỏi, đồng thời việc Mỹ nhập khẩu tiết kiệm của Trung Quốc cũng là điều dễ nhìn thấy khi gần như Trung Quốc không có nhiều kênh đầu tư cho lượng tiền thặng dư khổng lồ của mình.

Như vậy, để xử lý dứt điểm vấn đề thâm hụt thương mại của kinh tế Mỹ, nếu Trump chỉ định hướng vào Trung Quốc là chưa đủ, bởi việc Mỹ thâm hụt thương mại với Trung Quốc là gần như hiển nhiên. Mặc dù chính quyền Trump không gây ra tình trạng sụt giảm mạnh tiết kiệm của nền kinh tế Mỹ, nhưng họ đã đưa ra các kế hoạch chi tiêu ngân sách liên bang có quy mô khổng lồ khiến cho tỷ lệ tiết kiệm của nền kinh tế nước này ngày càng thấp hơn và gây hậu quả ngày càng nghiêm trọng hơn. Cái Trump cần phải làm đó là nâng tỷ lệ tiết kiệm của Mỹ lên, điều này với Trump bây giờ là vô cùng khó, gần như bất khả thi. Nhưng tại sao đây lại là thời điểm tối ưu nhất để Trump “đe dọa” chiến tranh thương mại.

Thứ nhất, Trump biết vấn đề thâm hụt thương mại không thể xử lý được bởi nó nằm ở chính nội tại kinh tế Mỹ, nhưng Trump không thể “nuốt lời” đã hứa trong cuộc bầu cử, Trump cần một lý do để khơi mào, chính vì thế tiếp tục “hô hào” và đổ tất cả tội lỗi lên đầu Trung Quốc là cách Trump lựa chọn. Mục đích của Trump là gây sức ép và bắt Trung Quốc phải vào cuộc chơi trong lúc Trung Quốc chưa đủ “vũ khí” phòng vệ. Kết quả mà Trump muốn sau những hành động này không phải là xóa bỏ thâm hụt mậu dịch với Trung Quốc, Trump thừa biết điều này là bất khả thi và nếu có chiến tranh thương mại diễn ra cả Trump và kinh tế Mỹ cũng sẽ gặp rắc rối lớn.

Thứ hai, đã mấy thập niên Trung Quốc cung cấp hàng hóa giá rẻ, thứ người tiêu dùng Mỹ luôn tìm kiếm để thỏa mãn nhu cầu mua sắm của mình. Ngược lại, Mỹ là thị trường tiêu thụ khổng lồ mang lại nguồn thu dồi dào cho nền kinh tế xuất siêu của Trung Quốc. Qua nhiều năm, mối quan hệ này đâm chồi nảy lộc. Khao khát tăng trưởng và nguồn vốn, Mỹ lệ thuộc vào két tiền thặng dư đồ sộ của Trung Quốc. Neo đồng nhân dân tệ vào USD, Bắc Kinh gom một lượng lớn tài sản của Mỹ, giúp Mỹ bù đắp mức thâm hụt ngân sách lớn hiếm thấy. Tuy nhiên, mối quan hệ “phụ thuộc tư lợi” giữa Trung Quốc và Mỹ đang đứng trên bờ vực rạn nứt khi chính quyền Tập Cận Bình chuyển đổi mô hình hoạt động từ dựa vào đầu tư và xuất khẩu sang mô hình chủ yếu dựa vào tiêu dùng nội địa và ngành dịch vụ. Sự chuyển mình này đồng nghĩa với việc Trung Quốc sẽ không xuất khẩu tiết kiệm sang Mỹ, trái phiếu Mỹ sẽ không còn được Trung Quốc ưa thích. Mỹ không thích điều này, Trump cần phải làm một điều gì đó để Trung Quốc phải trả giá.

Thứ ba, thứ vũ khí đáng sợ nhất mà Trung Quốc sở hữu là lượng trái phiếu khổng lồ 1,200 tỷ đô, chiếm gần 20% tổng nợ nước ngoài của chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, ở thời điểm hiện tại Trung Quốc gần như không thể bán tháo lượng trái phiếu này. Tai sao vậy?

Để đối phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008, Trung Quốc đã “mở van tín dụng” để kích thích kinh tế nhưng dường như đến nay chiếc van ấy chưa bao giờ thực sự được đóng lại. Kết quả là đến nay tổng nợ của Chính phủ, các hộ gia đình và doanh nghiệp Trung Quốc đã lên tới gần 30,000 tỷ USD, tương đương 260% GDP. Theo ước tính của tác giả, trong số 30,000 tỷ đô nợ toàn nền kinh tế thì nợ chính phủ Trung Quốc quanh khu vực 5,000 tỷ đô. Mổ xẻ tiếp con số 5,000 tỷ đó ra thì có gần 2,000 tỷ là nợ nước ngoài. Như vậy với lượng dự trữ ngoại hối quanh 3,000 tỷ đô, Trung Quốc chỉ đủ nguồn lực để giải quyết nợ chính phủ khi cấp thiết và tạo bộ đệm thúc đẩy chiến lược “chuyển mình” theo mục tiêu đề ra, việc mang khoản dự trữ ra để tấn công Mỹ là điều không tốt chút nào cho nền kinh tế Trung Quốc trong ngắn hạn.

Ngoài ra với 1,200 tỷ đô trái phiếu nắm giữ, nếu Trung Quốc ồ ạt bán trái phiếu với số lượng lớn thì sẽ giáng đòn chí tử vào lãi suất trái phiếu của Mỹ, đồng đô la sẽ rớt giá không phanh, nhưng những thị trường linh hoạt nhất thế giới sẽ kịp thời điều chỉnh nhanh chóng. Nhưng rồi với tỷ lệ tiết kiệm khổng lộ và thặng dư thương mại lớn của mình, Trung Quốc sẽ lại phải mua một tài sản nước ngoài khác để tích trữ nhằm ổn định đồng Nhân Dân Tệ. Trung Quốc một lần nữa sẽ phải mua tài sản hữu hình hoặc chuyển đổi tiền mặt sang các loại tiền tệ khác. Giá trị đồng Euro, Bảng Anh, Francs và Yên sẽ tăng vọt, chính quyền Brussels, London, Bern và Tokyo sẽ phải nhúng tay vào thị trường để tái cân bằng đồng tiền, Trung Quốc sẽ lại mắc kẹt giữa một loạt tài sản mà ngay từ đầu họ đã không ưa thích. Cách thực tế duy nhất để tái cân bằng là quay trở lại mua đô la Mỹ, lúc này Trung Quốc sẽ lại phải gánh chịu đà tăng phi mã của đồng đô.

Với tôi, chiến tranh thương mại Mỹ -Trung sẽ không xảy ra, bởi chính những kẻ khởi xướng là Trump và nước Mỹ cũng không muốn nó xảy ra. Mỹ đổ lỗi cho Trung Quốc đã làm kinh tế họ trì trệ, người dân của họ mất việc làm, nhưng họ biết, chính họ cũng đang phụ thuộc vào Trung Quốc và thâm hụt trong những năm gần đây không còn đến từ “chiêu trò” mà Trung Quốc sử dụng.

Hơn ai hết chính quyền của 2 nước cũng đều biết họ cần nhau, Mỹ cung cấp cho Trung Quốc cả sự ổn định và động lực tăng trưởng, Trung Quốc cho phép Mỹ tránh được những nguy cơ ngày càng tăng của tình trạng thiếu hụt tiết kiệm, chính sách tài khóa thiếu thận trọng và tăng trưởng thu nhập trì trệ.   Khi chúng mình còn “yêu nhau” mọi chuyện rồi sẽ ổn ……  

Trần Ngọc Báu

Trần Ngọc Báu

Viết cho vui!

Related Posts

Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
VAN DUC TRAN
5 năm trước

Tôi rất đồng ý với phân tích thực trạng, nhưng về tương lai Mỹ Trung thì hơi khác.Tôi nghĩ mọi chuyện là cần phải thay đổi. Mọi thứ bây giờ được thiết lập từ gần 20 năm trước khi Trung Quốc gia nhập WTO. Trong gần nhiều năm tới trước khủng hoảng Trung Quốc tăng trưởng kinh tế 2 con số, hiện vẫn tăng trưởng cao nhất Thế giới. Trung Quốc giờ đủ sức cạnh tranh với Mỹ trong phần lớn các lĩnh vực. Vậy nên Tổng thống Trumph muốn thuế ô tô nhập khẩu của Trung Quốc với Mỹ… Đọc tiếp »

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x