Khi mà cả tỷ giá hối đoái và tổng lượng tiền tệ đều không thể hoàn thành trọn vẹn nhiệm vụ làm “cái neo danh nghĩa”, các nước bắt đầu chuyển sang cuộc hành trình tiếp theo, đó là lấy “lạm phát mục tiêu” làm chiến lược thực thi chính sách tiền tệ.
Đầu tiên là New Zealand vào năm 1990, kế tiếp là Canada vào năm 1991, Anh năm 1992. Sự hiệu quả tuyệt vời trong việc thực thi chính sách ở cả 3 quốc gia trên đã tạo động lực để Thụy Điển, Phần Lan, Úc, Tây Ban Nha, … và hàng loạt quốc gia khác gia nhập sau đó.
Nhiều người lầm tưởng chiến lược “lạm phát mục tiêu” với mấy cái mục tiêu mà quốc hội Việt Nam đặt ra hàng năm về lạm phát là một. Thực tế 2 cái này hoàn toàn khác nhau. Tại sao lại như vậy?
Chúng ta cần hiểu khi coi một chỉ tiêu làm “cái neo danh nghĩa” thì NHTW phải kiên định với mục tiêu đó trong dài hạn, coi đó là mục tiêu then chốt, các mục tiêu khác chỉ là thứ yếu. Nếu các NHTW coi lạm phát là mục tiêu này thì:
(1) Họ phải công khai rõ ràng về con số lạm phát mục tiêu trong trung dài hạn (không phải ngắn hạn hàng năm) với dân chúng.
(2) Cam kết về mặt thể chế đối với mục tiêu đó, coi đó là tôn chỉ chính sách của mình.
(3) Thông tin đầy đủ và minh bạch về mọi biến số sẽ tác động đến lạm phát, không chỉ riêng tổng lượng tiền tệ.
(4) Lạm phát chính là KPI đo lường mức độ năng lực điều hành của NHTW trong mắt dân chúng.
Chính sách của Việt Nam hiện tại đạt được mấy trong 4 tiêu chí trên? Nếu phải đặt cho chiến lược điều hành của SBV thì chúng ta nên gọi nó là chiến lược “cái neo linh động” thì chuẩn xác hơn 🙂
Vậy Fed sử dụng chiến lược gì trong quá trình điều hành chính sách tiền tệ của Hoa Kỳ?
Ban đầu “lạm phát mục tiêu” không phải là “cái neo danh nghĩa” trong chiến lược điều hành của Fed.
Những năm 1980s, Fed chỉ coi lạm phát là “cái neo danh nghĩa ngầm định” và không công khai, cũng không cam kết và tất nhiên không coi lạm phát là tôn chỉ hoạt động của mình. Các nhà kinh tế gọi đó là chính sách tổng hợp (mixed policy) hay còn được biến đên là “Taylor rule” theo đó đảm bảo rằng lãi suất của FED thay đổi thích ứng với lạm phát và sản lượng đầu ra.
Tuy nhiên, thực tế vận hành (giống như cảnh báo trước đó của M. Friedman) đã cho thấy chính sách tiền tệ thường phải mất trên 1 năm để tác động đến sản lượng và trên 2 năm để tác động đến lạm phát. Vậy cho nên nếu chờ các tín hiệu từ nên kinh tế thì đã quá muộn để Fed kịp trở tay. Đây luôn là vấn đề đau đầu kinh niên với các đời thống đốc.
Đến giữa triều đại của “phù thủy” Alan Greenspan, Fed có một bước sáng tạo mới, đó là điều hành kinh tế Mỹ theo chiến lược “hành động trước một bước”. Tức là nếu họ “cảm thấy” 2 năm tới kinh tế sẽ hồi phúc và khả năng có lạm phát cao, họ sẽ đi trước một bước, đó là thắt chặt cung tiền, tương tự như vậy ở chiều ngược lại. Cái ý tưởng này của phù thủy đã được các đời sau áp dụng triệt để đến bây giờ.
Chiến lược “đi trước một bước” này của Fed rõ ràng mang thuộc tính của chiến lược “mục tiêu lạm phát”, bởi vì các công cụ điều hành được sử dụng đã tính đến độ trễ của lạm phát trong tương lai. Tuy nhiên nó vẫn chưa được Fed công bố công khai, vậy cho nên vẫn chỉ được gọi là chính sách “đi trước 1 bước mà thôi”, lạm phát không phải “cái neo danh nghĩa” của Fed.
Mãi đến năm 2012, Fed mới chính thức công bố con số 2% là mục tiêu lạm phát của mình. Tại sao lại chọn 2%? Lý do là bởi với những nền kinh tế đã phát triển, con số lạm phát 2% là con số vừa đẹp để nền kinh tế phát triển một cách lành mạnh, còn tại sao lành mạnh thì nó là công trình nguyên cứu để đời của các vị “lãnh tụ” kinh tế học rồi. Tuy những phát biểu của chủ tịch Fed từ năm 2012 về con số lạm phát lại không mang tính “khẳng định” nên chúng ta có thể nói Fed đang tiến dần tới coi lạm phát là “cái neo danh nghĩa” chứ chưa hẳn xác nhận điều đó.
Vậy cho nên khi Fed thay đổi từ “lạm phát mục tiêu 2%” sang “lạm phát mục tiêu trung bình giai đoạn” thì quan điểm cá nhân của mình sẽ là:
(1) Con số 2% là con số sẽ không thay đổi, bởi đã có nhiều nguyên cứu đưa ra lạm phát trên mức con số này không tác động tích cực đủ lớn tới sản lượng dài hạn của Mỹ. Vậy cho nên Fed sẽ điều phối theo kiểu “cứ làm thôi” để về dài hạn, lạm phát cũng chỉ quanh con số này.
(2) Với mình chính sách “trung bình giai đoạn” mới của Fed cũng chỉ là một chiêu bài để Fed giảm nhẹ cái gọi là “cam kết KPI” với “cái neo danh nghĩa”. Đây là điều bình thường vì Covid đã làm các con số “tuyệt đối” trở lên biến động quá lớn, thiếu chính xác (hãy nhớ CPI hay PPI thì đều là chỉ số), chính vì vậy khi “đo lường tăng trưởng” dựa trên những chỉ số này thì con số output trở lên thiếu chuấn mực trong dài hạn. Để xử lý những biến động thế này, cách đơn giản mà hiệu quả là lấy trung bình giai đoạn.
(3) Câu hỏi đặt ra ở đây là cái “giai đoạn” mà Fed nhắc tới là bao lâu? Cái này còn phụ thuộc vào việc những chuyên gia của Fed chạy model và ra được câu trả lời mất bao nhiêu năm con số trung bình sẽ khử được những biến động phi chuẩn mực mà Covid gây ra ở năm 2020.
(4) Đầu tư là sự kỳ vọng và chính sách của Fed vẫn mang tính “đi trước một bước”, vậy cho nên nếu sự kỳ vọng vào lạm phát trung bình vẫn quanh 2% thì việc kỳ vọng về một kỷ nguyên bơm tiền vô tội vạ mà không quan tâm đến lạm phát rồi cũng sẽ lắng xuống. Mọi người sẽ dần hiểu rằng đơn giản là Fed chỉ thay đổi cách tính mà thôi, họ cũng cần phải chạy KPI.
(5) Bản thân Fed cũng đang mò mẫm không biết điều gì sẽ xảy ra tiếp theo, chính sách của Fed hiện tại đang là “chính sách tùy nghi”, ôm nhiều chỉ tiêu 1 lúc, tạm để “cái neo danh nghĩa” sang một bên. Đồng nghĩa với việc, chính sách của Fed sẽ linh động và thay đổi liên tục, không nhất quán, không có một cái gì gọi là cam kết dài hạn ở đây cả. Powell có thể “trở mặt” còn nhanh hơn người yêu cũ của bạn.
(6) Ít nhất nhà đầu tư cũng an tâm một điều là rằng quy tắc Taylor (lạm phát tăng thêm 1% thì ngân hàng trung ương nên tăng lãi suất danh nghĩa thêm hơn 1%) cũng sẽ không được Fed áp dụng trong ngắn hạn.
Với những lập luận trên, về ngắn hạn Fed đã phải tạm gác “cái neo danh nghĩa” sang một bên, né “đạn” bằng cách thay đổi chút công thức KPI. Đây là điều bình thường, ai mà biết được Covid sẽ như thế nào, vậy cho nên tốt nhất là “không cam kết gì cả” và nếu đã chót cam kết thì tốt nhất là “bẻ tàu” trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, Fed biết rõ cái neo mình cần bám theo là gì và Fed sẽ vẫn âm thầm coi đó là tôn chỉ ra chính sách.