Khi chúng ta nói đến sự độc lập trong Điều hành Chính sách tiền tệ của một Ngân hàng trung ương thì có 2 loại:
1️⃣ Đầu tiên là sự Độc Lập trong việc ra quyết sách về điều hành lãi suất của một Ngân hàng trung ương (NHTW) với các NHTW lớn bị ràng buộc bởi bộ ba bất khả thi. Sự thương đau của thị trường tài chính Việt Nam trong năm 2022 đến từ cái này. Để hiểu về bộ 3 bất khả thi bạn đọc bài này mình viết năm 2021 là sẽ hiểu. Nó phần náo cảnh báo trước viễn cảnh mà chúng ta đã trải qua và rồi sau này chắc chắn sẽ lại va vào lại: Tại sao FED thắt chặt thì Việt Nam cũng ….
2️⃣Loại Độc Lập thứ hai là Độc lập trong việc ra quyết sách về điều hành của NHTW trước Chính Phủ. Đọc bài báo trong ảnh, ngẫm về vài trò của người lãnh đạo, mình lo hơn là vui.
Dĩ nhiên là với Cơ chế của Việt Nam thì NHTW là một cơ quan ngang Bộ và trực thuộc Chính Phủ khác hoàn toàn với các NHTW phương tây nơi mà NHTW với vai trò đặc biệt của mình sẽ trực thuộc Quốc Hội và độc lập với Chính Phủ. Xét về Độc lập thì có thể nói nhanh là SBV gần như không có.
Vậy mô hình nào tốt hơn, theo lý thuyết của giới Tư Bản cách tân thì mô hình độc lập với Chính Phủ là tốt, bởi điều này ngăn cản Chính Phủ bơm tiền vô tội vạ khi cần chạy KPI tăng trưởng. Nhưng văn của Tây thì lúc nào cũng hay rồi. Cá nhân mình thì thú thực là không biết, vì cái gì cũng có 2 mặt của nó cả, ngoài ra thì tốt hay xấu còn tùy thuộc vào cách làm. Tư tưởng thì hay nhưng làm “ảo ma” thì cũng vậy. Thế nên xin phép không trao đổi về nội dung nhạy cảm này.
Cái mà mình lo là lo trên góc nhìn của một người đang điều hành doanh nghiệp và nhìn cái cách mà Chính Phủ điều hành các “Tướng” của mình, nó hơi sao sao ấy, dĩ nhiên là mình không đủ tầm để nói đúng sai, mình chỉ có quyền lo lắng thôi.
Mình ở vài trò CEO của một vài doanh nghiệp SME tính ra ngót nghét 7-8 năm cộng dồn. Thất bại thì như núi Thái Sơn còn thành công thì nhỏ giọt như Cà Phê Phin, vậy nên nhìn chung là một CEO trình còi. Tuy nhiên có một thứ mà mình dù kém trình nhưng vẫn luôn tin là “chân ái”, đó là làm CEO là phải “phân quyền” và đã phân quyền là “phải tin tưởng trao quyền” cho đến khi người đó “thực sự thất bại”.
Vấn đề là thành bại phải “đo lường bằng kết quả” không được cảm tính và tiểu tiết. Bởi vốn dĩ CEO khi đánh trận phần chắc sẽ không thể giỏi bằng “Tướng” được, ngoài ra cái bệnh cảm tính thì 9/10 ông CEO đều mắc phải, nó là bệnh nghề nghiệp của cánh lãnh đạo rồi. Vậy nên nếu tướng đang điều quân đánh trận mà mình cướp quyền chỉ vì mình “sợ cảm tính hoặc nghe bơm thổi” thì điều này thực sự đáng lo ngại.
Việc Chính Phủ quyết liệt yêu cầu NHNN phải giảm mạnh lãi suất và tăng tín dụng ngay trong tháng 6 nó có thể đến từ số liệu kinh tế quý 2 đang dần lộ diện khá xấu và áp lực đè lên “CEO” là rất lớn, sự kiên nhẫn không còn nhiều.
Biết rằng tình hình hiện tại là rất căng, đòi hỏi phải hành động nhanh và mạnh, nhưng có những thứ không thể nhanh được dù chúng ta cố gắng thế nào. Tỷ dụ như “bạn không thể có con trong vòng 1 tháng bằng việc làm 9 người phụ nữ có bầu”. Hay bạn không thể chống lại Chu kỳ, dù muốn hay không thì vẫn có một lúc nào đó kinh tế sẽ phải “hạ cánh” trong sự cố gắng “tuyệt vọng” của nhà điều hành. Đến cả những cái đầu tài năng nhất của Fed cũng phải nói về phương án “hạ cánh mềm hay cứng” cơ mà.
Nếu được nêu ý kiến, thì mình cho rằng từ đầu năm đến giờ SBV đã sửa sai và làm khá tốt nhiệm vụ của mình rồi. Mình cũng tin họ là những người “hiểu vấn đề” và “năng lực chuyên môn” là tốt nhất. Họ đủ kinh nghiệm để biết rằng các chỉ tiêu điều hành có liên kết với nhau và nếu quá tập trung vào một thứ có thể sẽ đánh mất những thứ còn quan trọng hơn.
P/s: Có khi nào mình nằm ngoài cuộc nhưng quá nhạy cảm để rồi hiểu sai những gì đang thực sự vận hành bên trong ?!
– Thằng nghiện dữ liệu!