Dưới đây là một số vấn đề mình cho rằng nhà đầu tư nếu đang là cổ đông của Tập Đoàn Đức Long Gia Lai – Mã DLG thì nên đặc biệt chú ý. Những cái chết thường được báo trước quá 2 thứ: con người / con số.
1. Tài sản cố định
Tài sản cố định hiện tại gần như tập trung toàn bộ vào 2 dự án BOT được hoàn thành vào năm 2015 là: Dự án BOT quốc lộ 14A đoạn KM 817 đến 887 và Dự án BOT Gia Lai – Đường HCM đoạn Pleiku km 1610 với tổng giá trị gần 2,300 tỷ đồng.
2. Gần như không có khả năng trả nợ gốc vay
Tất cả các khoản nợ của DLG gần như toàn bộ đều bắt đầu phát sinh vào năm 2015, với thời hạn vay là từ 110-140 tháng. Vốn vay được đẩy vào 2 dự án chủ lực là 2 tuyến BOT và 2 dự án cao su. Hiện tại cả 2 dự án BOT mặc dù đã đưa vào hoạt động nhưng không mang lại hiệu quả kinh doanh, 2 dự án trồng cao su cũng chết lâm sàn và đang bị treo không tiếp tục triển khai, các dự án bất động sản đứng im. Hiện tại DLG không có nguồn thu nào đáng kể để có thể đủ khả năng trả nợ khi các khoản nợ gốc đến kỳ đáo hạn.
3. Cơ cấu doanh thu kỳ lạ
DLG là tập đoàn đa ngành nhưng chúng ta không khó để thấy tỷ trọng tài sản gần như toàn bộ nằm dưới 2 dự án BOT và các khoản phải cho vay các bên liên quan. Tuy nhiên nguồn thu chính yếu lại đến từ bán linh kiện điện tử và phân bón, 2 lĩnh vực chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong toàn bộ tài sản của DLG.
4. Huy động vốn, không triển khai dự án lại mang vốn cho vay nội bộ
DLG tăng vốn liên tục hàng năm, kết quả là từ số vốn điều lệ 352 tỷ năm 2011, đến hiện tại số vốn điều lệ của DLG đã gấp 8 lần, đạt con số 2,850 tỷ. Tuy nhiên toàn bộ số vốn tăng thêm không thấy được đưa vào sản xuất kinh doanh mà gần như toàn bộ mang đi cho vay các tổ chức và cá nhân liên quan với lãi suất thấp (thấp hơn cả lãi suất DLG đi vay các ngân hàng). Trong đó có những tổ chức cho vay số tiền rất lớn lên tới 300-500 tỷ đồng nhưng về quan hệ cổ đông thì DLG chỉ sở hữu quanh 1-2% cổ phần. Điều đáng chú ý hơn nữa là thời gian vay là ngắn hạn nhưng dư nợ với các đơn vị này duy trì và tăng liên tục trong vòng 4 năm qua.

5. Vấn đề với công ty DL1
DL1 là công ty độc lập về báo cáo tài chính với DLG, tuy nhiên cùng thuộc một chủ sở hữu là ông Bùi Pháp. Năm 2016 DL1 tăng vốn từ 31.4 tỷ lên 169 tỷ, đến năm 2017 tăng vốn khủng lên 1,012 tỷ đồng bằng cách phát hành thành công 84.3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, sau đó DL1 dùng toàn bộ số vốn tăng thêm mua lại 98% cổ phần của CTCP Đầu tư – Xây dựng Vạn Gia Long và phần vốn góp tại Công ty TNHH Sản xuất – Thương mại – Dịch vụ Đồng Phú Hưng (http://s.cafef.vn/dl1-245116/co-phieu-tang-900-kem-tang-von-khung-dl1-tu-ben-xe-pho-nui-tro-thanh-cong-ty-7000-ty-chi-sau-1-nam.chn).
Tuy nhiên khi hợp nhất báo cáo tài chính của 3 công ty lại thì toàn bộ tài sản lại nằm dưới khoản trả trước cho người bán, cho vay và hàng tồn kho. Trong đó riêng khoản trả trước cho người bán và cho vay đã chiếm gần 1,500 tỷ đồng. Điều đáng nói là DL1 không có dự án nào thực sự nổi bật trong những năm tới, vậy tại sao lại phải trả trước cho người bán một số tiền lớn như thế?