Lãi suất điều hành dù giảm nhưng vẫn cao, các lĩnh vực kinh doanh đều gặp khó trong việc tiếp cận. Nhiều ý kiến cho rằng đối với các DN, những quy định chưa hợp lý như siết chặt quá mức hay áp dụng mức lãi suất cho vay hiện còn ở mức cao, như là những cú bồi khiến loạt DN lockout ngay trên sân nhà của chính mình. Thậm chí, một số ý kiến cho rằng tiền NH đang dư nhưng DN ko biết vay và làm gì để vừa trả lãi NH vừa có lợi nhuận được.
Ông có nhận định gì về việc này?
Thực trạng khó khăn như hiện tại đến từ cả ba phía.
Đầu tiên là phía nhà điều hành. Năm 2022 vừa qua nhà điều hành đã có những quyết sách có phần thụ động trước những diễn biến toàn cầu. Việc thụ động trong điều hành đã kéo theo những quyết sách biến động quá nhanh và thiếu nhất quán, điều này một lần nữa gây nhiều khó khăn trong việc thiết lập chiến lược của hệ thống ngân hàng và doanh nghiệp. Bước sang nửa đầu năm 2023 Ngân hàng nhà nước cũng đã có những hành động quyết liệt và nhất quán để hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên chính sách tiền tệ thường phải cần 6-9 tháng mới thẩm thấu dần được.
Thứ hai là phía hệ thống ngân hàng. Nửa đầu năm 2023, sức khoẻ của hệ thống ngân hàng trong nước vẫn còn nhiều điều quan ngại. Điểm đáng chú ý nhất là nợ xấu nội bảng trong nửa đầu tăng quá nhanh, tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng giảm mạnh về mức tiệm cận 100% thay vì 150% như trước. Nếu chúng ta tính đủ cả nợ ngoại bảng thì con số chắc chắn sẽ còn xấu hơn nữa. Chính điều này đã làm các ngân hàng tập trung tâm thế phòng thủ, không mặn mà với việc cho vay hay giảm lãi suất cho vay kể cả khi Ngân hàng nhà nước đã ra nhiều quyết sách giảm lãi suất cho vay mạnh hơn.
Thứ ba là bản thân doanh nghiệp. Chúng ta phải chấp nhận thực trạng là doanh nghiệp của chúng ta sử dụng đòn bẩy tín dụng quá cao, sức khoẻ tài chính yếu, sản phẩm ít lợi thế cạnh tranh so với mặt bằng chung toàn cầu. Việc không chịu đa dang nguồn huy động mà chỉ ỉ lại toàn bộ vào hệ thống ngân hàng nên những biến động về lãi suất hay room tín dụng cũng trở thành rủi ro lớn với doanh nghiệp Việt. Thiết nghĩ hiện nay lãi suất tăng là câu chuyện toàn cầu chứ không chỉ riêng Việt Nam, và chúng ta cũng đã có những hành động nới lỏng rất sớm và kịp thời. Vậy nên bản thân doanh nghiệp cũng là tác nhận gây ra viễn cảnh hiện tại chứ không chỉ riêng nhà điều hành hay hệ thống ngân hàng.
Theo ông, việc giảm lãi suất điều hành hiện tại đóng vai trò quan trọng như thế nào tới DN và nền kinh tế nói chung, (trong đó, đặc biệt là các DN BĐS, DN sản xuất và người vay tiêu dùng)?
Cơ chế điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam hiện nay không hoàn toàn giống với thế giới. Tại Mỹ, với các công cụ điều hành của Fed thì lãi suất Fed Fund Rate được coi là lãi suất chuẩn để các loại lãi suất huy động, cho vay biến động theo. Tuy nhiên ở Việt Nam thì không phải vậy, sự liên thông giữa thị trường 1 và thị trường 2 là không chặt chẽ, lãi suất điều hành chỉ tác động đến lãi suất liên ngân hàng và lợi suất trái phiếu, không tác động trực tiếp đến lãi suất huy động và cho vay. Sự liên thông giữa lãi suất điều hành và lãi suất cho vay chỉ thực sự sát sườn khi đáp ứng cả ba tiêu chí: Lãi suất, Thanh khoản hệ thống ngân hàng và Sức khoẻ doanh nghiệp.
Như vậy có thể nói việc giảm lãi suất điều hành, phần nhiều mang tính chất định hướng và mở rộng thanh khoản ngắn hạn cho hệ thống ngân hàng. Còn việc tác động nhiều đến các doanh nghiệp và người dân thì phải chờ sự đồng pha của thanh khoản hệ thống ngân hàng trung dài hạn và sức tiêu dùng của nền kinh tế. Với bối cảnh thanh khoản và sức cầu kinh tế thì việc tác động sẽ chậm chứ không thể nhanh được.
Giảm mạnh lãi suất liệu có là cần thiết và giải pháp hiệu quả nhất lúc này?
Nếu nói lãi suất là “giá” của tiền thì có thể hình dung cung tiền giống như “thanh khoản” vậy. Việc quá tập trung vào “giảm giá” trong khi “thanh khoản đóng băng” thì có thể hiệu quả mang lại không cao, gây lãng phí nguồn lực.
Với bối cảnh cung tiền yếu như hiện nay, việc cố gắng chạy theo giảm lãi suất nhanh chóng so với xu hướng toàn cầu trong khi tỷ giá hiện tại vẫn còn nhiều ẩn số có thể phát sinh những rủi ro đảo ngược dòng vốn và gây ra những hệ lụy kép với kinh tế Việt Nam. Bởi nếu lúc này tỷ giá căng thẳng và NHNN phải quay trở lại bán USD ra nền kinh tế thì lượng cung tiền còn bị bóp nghẹt hơn nữa và lúc ấy việc mở rộng cung tiền sẽ càng trở lên thách thức.
Trên quan điểm cá nhân, tôi cho rằng cần phải làm đồng bộ cả hai mặt trận là giá và thanh khoản. Để làm được điều này thì: Một mặt giảm tiếp lãi suất chính sách thêm 1-1,5% nữa trong vòng 6-9 tháng tới, xét về thanh khoản, lạm phát và tỷ giá thì dư địa vẫn còn. Một mặt cung cấp thêm thanh khoản cho hệ thống ngân hàng thông qua việc mua USD, giải ngân đầu tư công hoặc một công cụ điều hành khác tuỳ tình hình …… song song với đó là giãn/nới các quy định an toàn vốn. Đây là phương án tối ưu nhất để giải quyết bài toán đẩy nhanh giảm lãi suất cho vay và lấy lại đà tăng cung tiền trong nền kinh tế, từ đó mở rộng tổng cầu trong nước trước diễn biến tổng cầu quốc tế suy giảm nhanh như hiện nay.
Cảm ơn anh Báu.