Trần Ngọc Báu
Tôi coi đây là quyển sổ nhỏ lưu trữ những suy nghĩ, những quan điểm của cá nhân mình về các vấn đề kinh tế vĩ mô, tài chính doanh nghiệp và đầu tư kinh doanh. Hy vọng blog sẽ giúp ích cho tôi và độc giả trong quá trình phát triển bản thân mình.

Trả lời Báo Đầu Tư về đánh giá tình hình nợ xấu hệ thống Ngân Hàng

1. Báo cáo tài chính các ngân hàng vừa công bố cho thấy nợ xấu đang tăng lên. Nhìn vào báo cáo tài chính, ông có thể có những phân tích cụ thể hơn?

Tính đến thời điểm 26/07 theo dữ liệu của WiGroup đã có 7 ngân hàng công bố Báo cáo tài chính Q2/2023. Dựa trên con số về diễn biến nợ xấu mà các ngân hàng này công bố thì tổng nợ các nhóm 2,3,4,5 đã có xu hướng tăng chậm lại sau khi tăng mạnh vào 2 quý trước đó. Đây là tín hiệu đáng mừng sau 2 quý mà tổng dư nợ các nhóm này tăng quá nhanh và gây ra nhiều lo ngại đến sức khỏe hệ thống ngân hàng.

Tuy nhiên có một dấu hiệu tiêu cực cần chú ý, đó là sự dịch chuyển nợ xấu từ nhóm 2 sang nhóm 3,4,5 lại diễn ra rất mạnh vào quý 1/2023. Điều này đã làm tổng số dư nợ xấu của nhóm ngân hàng này tăng mạnh từ 10 ngàn tỷ vào Q3/2022 lên hơn 20 ngàn tỷ và tỷ lệ nợ xấu (NPL) cũng tăng mạnh từ quanh 1.08% lên 1.81%. Theo cá nhân tôi thì đây cũng là xu hướng chủ đạo về diễn nợ xấu của cả ngành ngân hàng chứ không chỉ riêng nhóm 7 ngân hàng này.

Như vậy nợ xấu mặc dù vẫn nằm trong tầm kiểm soát và trung bình là <3% và tổng dư nợ nhóm 2 trở đi đã tăng chậm lại, tuy nhiên áp lực nợ xấu đã tăng rất nhanh và với xu hướng nợ nhóm 2,3,4 khá cao như hiện tại thì áp lực nợ xấu nhóm 5 lên hệ thống ngân hàng trong những quý tới là rất rõ ràng.

Một áp lực nữa lên hệ thống ngân hàng mà chúng ta cần chú ý ở giai đoạn này, đó là tỷ lệ bao phủ nợ xấu cũng đang giảm rất nhanh, hay nói cách khác là số dư trích lập đang tăng chậm hơn nhiều so với tốc tăng của tổng nợ xấu. Điều này sẽ tiếp tục gây áp lực lên việc tăng trích lập dự phòng và làm suy giảm lợi nhuận của hệ thống ngân hàng trong các quý tới.

Biểu đồ 1: Tổng dư nợ nhóm 2,3,4,5 và tỷ lệ nợ xấu của nhóm NHTM đã công bố BCTC Q2/2023. Nguồn: WiData.vn – Tính toán dựa trễn dữ liệu của 7 ngân hàng: TCB, PGB, SGB, TPB, LPB, ABB, BAB

2. Nguyên nhân nào đưa đến nợ xấu các ngân hàng tăng dù Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước đã cho phép các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đang phát huy tác dụng.

Theo tôi nghĩ thì TT02 giúp nhiều nhất là khách hàng, còn phía NHTM thì lợi ích mang lại sẽ chủ yếu là được ghi nhận lãi dự thu trươc mắt, giãn một phần nào đó áp lực trích lập dự phòng lên lợi nhuận. Nhưng rõ ràng thì NHTM vẫn phải trích lập dự phòng và nếu trong tương lai khi thông tư hết hiệu lực thì khoản lãi dự thu ghi nhận trước đó cũng sẽ bị trừ ngược lại vào thu nhập lãi thuần.

Tổng thể mà nói thì lợi ích mang lại cho NHTM là đẩy được các chi phí hiện tại về tương lai và tăng lợi nhuận trước mắt, tuy nhiên xét một mặt nào đó việc này cũng sẽ gây khó khăn sai lệch cho việc quản trị số liệu tài chính của ngân hàng. Như vậy có tận dụng thông tư 02 hay không và mức độ tận dụng thế nào là tùy vào chiến lược kinh doanh của mỗi ngân hàng. Nhà băng nào muốn ghi nhận lợi nhuận ở hiện tại và đẩy chi phí về tương lai thì có thể sẽ áp dụng nhiều, nhà bằng nào muốn thực tế hóa triển vọng lợi nhuận thì sẽ áp dụng ít hơn.

3. Có ý kiến cho rằng Thông tư 02 đang đẩy nợ xấu về tương lai. Ông có nhận định gì?

Điều này là khả thi, bởi thông tư 02 sẽ giúp các ngân hàng thương mại được hạch toán lãi dự thu và giãn chi phí dự phòng ra 2 năm thay vì trích lập luôn với những khoản nợ đã chuyển sang nhóm 2 trở đi như đã đề cập phía trên. Chính lợi ích này sẽ thúc đẩy các ngân hàng cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ đối với tập khách hàng đáp ứng đủ điều kiện.

Tuy nhiên TT02 sẽ chỉ hoãn ghi nhận và giãn trích lập dự phòng, còn muốn xử lý được triệt để nợ xấu thì phải đến từ sự phục hồi thực sự của doanh nghiệp, hay nói cách khác nếu tình hình kinh tế không khả quan thì áp lực nợ xấu từ giữa năm 2024 là điều tất yếu, tuy nhiên nhiều khả năng các NHTM sẽ vẫn tiến hành ghi nhận dần dần thay vì để dồn vào nửa cuối 2024.

4. Theo ông, khi nào nợ xấu đạt đỉnh? Dự báo nợ xấu cuối năm 2023 và năm 2024 sẽ như thế nào?

Với những diễn biến về sức khỏe của nền kinh tế trong nước và các nền kinh tế lớn như Mỹ, EU và Trung Quốc thì tôi nghĩ khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam sẽ vẫn còn tiếp diễn từ giờ đến cuối năm. Mặc dù về mặt số học thì chúng ta sẽ thấy một số khu vực bắt đầu tăng trưởng vào những tháng cuối năm, tuy nhiên đó là vì cuối năm ngoái kinh tế chúng ta bắt đầu gặp khó khăn nên cơ sở cùng kỳ thấp điểm chứ không phải kinh tế thực sự ghi nhận phục hồi mạnh mẽ.

Việc triển vọng kinh tế nhiều khả năng phải chờ đến nửa đầu năm 2024 và đi vào bóc tách sâu hơn về cấu trúc dư nợ của hệ thống ngân hàng thì tôi cho rằng nợ xấu sẽ đạt đỉnh vào nửa đầu năm 2024 nếu như không có những biến động lớn trong kinh tế toàn cầu.

Như vậy xét về tổng thể thì thực sự áp lực nợ xấu của ngân hàng là rất nhiều và chưa có dấu hiệu tạo đỉnh trong năm 2023, sự kỳ vọng sẽ được dồn vào năm 2024. Tuy nhiên kết quả sẽ phụ thuộc rất nhiều và sự phục hồi của kinh tế trong nước, thị trường bất động sản và sức tiêu dùng của các nền kinh tế lớn, thứ mà đến lúc này chúng ta vẫn chưa thấy nhiều điểm sáng.

5. Các TCTD điều chỉnh thu hẹp đáng kể kỳ vọng về tình hình kinh doanh và lợi nhuận trong thời gian tới. Vậy, hệ thống ngân hàng có cơ hội nào để hạn chế đà tăng của nợ xấu?

Có thể nói chúng ta đang ở những giai đoạn khó khăn nhất về triển vọng kinh doanh khi mà cả trong nước và xuất khẩu đều suy giảm rõ ràng. Tuy nhiên đã xấu rồi thì khi xấu hơn sẽ tác động đến tâm lý và thị trường ít hơn là bớt xấu, vậy nên đây cũng là cơ sở để chúng ta kỳ vọng.

Vừa rồi chúng ta đã thấy những chính sách quyết liệt trong điều hành chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Nếu những chính sách này kịp thẩm thấu vào giai đoạn cuối năm 2023 thì có thể đây là động lực lớn nhất sẽ giúp hạn chế đà tăng nợ xấu.

Ngoài ra sự phục hồi của tăng trưởng về tín dụng vào giai đoạn cuối năm khi tín dụng khơi thông về mặt số học cũng sẽ giúp giảm tỷ lệ nợ xấu ở thời điểm hiện tại.

Một phần quan trọng nữa chính là sự kỳ vọng về những chính sách hỗ trợ mới được tính toán và ban hành trong thời gian tới sẽ tác động trực diện hơn đến hệ thống Ngân hàng thương mại và giúp giảm áp lực ghi nhận nợ xấu.

6. Thúc đẩy nhanh, mạnh tín dụng vào nền kinh tế đang là vấn đề được xã hội rất quan tâm. Tuy nhiên, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cao trong môi trường nhu cầu yếu, ông có cho rằng có thể đồng nghĩa với việc chuyển tín dụng sang các lĩnh vực hoặc hoạt động phi sản xuất, từ đó có thể dẫn đến tỷ lệ nợ xấu cao hơn? Ông có nhận định gì về vấn đề này?

Việc đẩy mạnh tín dụng trong trạng thái mà sức cầu yếu như hiện tại thì điều khó tránh khỏi là sẽ phải chấp nhận những vấn đề sai lệch về dòng chảy tín dụng vào khu vực rủi ro. Tuy nhiên tại thời điểm hiện tại thì điều này là cần thiết chấp nhận để giải tỏa thiếu hụt vốn trong nền kinh tế và sau đó khi mọi thứ đã cân bằng hơn có thể xem xét phương án siết dần bằng tỷ lệ. Giai đoạn kinh tế suy yếu cả trong lẫn ngoài như hiện tại thì việc khơi thông vốn cho nền kinh tế và nới lỏng các quy định cho hệ thống ngân hàng là điều cấp thiết nhất, tránh va vào “vòng tròn suy giảm”, lúc ấy sẽ rất khó thoát ra được.

Hiện tại chúng ta đang trải qua giai đoạn có thể nói là gần kề trạng thái “suy kiệt tín dụng”, tức giai đoạn mà tín dụng tăng quá chậm so với mức cân bằng để kinh tế phát triển. Tính đến thời điểm cuối tháng 5/2023, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới chỉ tăng trưởng 9.08% so với cùng kỳ và chưa có dấu hiệu ngừng suy giảm. Đây con số tăng trưởng tín dụng tiệm cận con số thấp kỷ lục được thiết lập vào năm 2012 và có thể nếu mọi thứ không phục hồi trở lại vào cuối năm nay thì kỷ lục của năm 2012 có thể sẽ bị phá vỡ. Nếu nhìn lại những gì từ năm 2011-2015 chúng ta đã phải trải qua, có lẽ sẽ thấy được tính cấp thiết thế nào của việc nhanh chóng đẩy lại tăng trưởng tín dụng.

Biếu đô 2: Tăng trưởng tín dụng hệ thống ngân hàng so với cùng kỳ (YoY). Nguồn: WiChart.vn – Số liệu được tổng hợp từ công bố của Ngân hàng nhà nước Việt Nam

Ngoài vấn đề thiếu vốn trong nền kinh tế gây khó khăn cho sự phục hồi thì chúng ta còn đang bị vướng vào tâm lý “thắt lưng buộc bụng” của dân cư và các tổ chức kinh tế. Tình trạng này đóng góp rất lớn từ sự suy giảm giá tài sản tài chính như bất động sản và chứng khoán trong thời gian vừa qua. Như vậy việc tín dụng khơi thông và hỗ trợ phục hồi tài sản tài chính mặc dù là giải quyết được bài toán không định hướng vào sản xuất nhưng cũng sẽ giúp phục hồi tâm lý tiêu dùng và kích thích lại động lực sản xuất. Xét về tổng thể dài hạn thì kinh tế thực và thị trường tài chính vẫn có mức độ liên thông cao.

Theo dõi
Thông báo của
guest
1 Bình luận
Cũ nhất
Mới nhất Được bỏ phiếu nhiều nhất
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
Dương văn Lực
Dương văn Lực
1 tháng trước

Bài viết của anh hay quá anh ah, gần gũi và dễ hiểu, chúc anh luôn mạnh khỏe chia sẽ nhiều giá trị cho cộng đồng

1
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x