Trong đầu tư ngay cả Warren Buffett cũng không hoàn hảo

Nhắc đến Warren Buffett người ta nghĩ ngay đến nhà đầu tư thành công và nổi tiếng nhất mọi thời đại. Với khả năng lựa chọn cổ phiếu thiên tài, ông được mệnh danh là “nhà tiên tri xứ Omaha”, là vị lãnh tụ vĩ đại của phong trào đầu tư giá trị tăng trưởng. Thế nhưng, không phải mọi quyết định đầu tư của Buffett đều chính xác.

Nói ra chắc bạn khó tin được rằng Berkshire Hathaway, một trong những công ty thành công nhất nước Mỹ trong 50 năm qua, được nhà đầu tư nổi tiếng Warren Buffett điều hành, đứng thứ tư trong số những công ty giá trị nhất thế giới với vốn hóa lên tới 420 tỷ đô, sở hữu 340,000 nhân viên và giá cổ phiếu tình ra tiền Việt lên tới hơn 4 tỷ đồng/ cổ phiếu, tương đương một căn hộ lại chính là nỗi ám ảnh và sai lầm lớn nhất mà Buffett đã làm.  

Buffett bắt đầu mua Berkshire Hathaway vào những năm 1960 nhưng nguồn gốc của công ty này lại là một doanh nghiệp dệt may có tên gọi Valley Falls. Valley Falls được sáng lập năm 1839 tại Rhode Island bởi Oliver Chace. Năm 1852 Oliver Chace qua đời,  con trai của ông và những người khác tiếp tục điều hành Valley Falls nhiều thập kỷ sau đó. Năm 1955, công ty sáp nhập với công ty sản xuất Hathaway và cái tên Berkshire Hathaway chính thức ra đời.

Sau khi sáp nhập, Berkshire Hathaway được điều hành bởi Seabury Stanton (người là một trong những tác nhân khiến Buffett quyết tâm sở hữu bằng được Berkshire Hathaway). Để đối phó với sự cạnh tranh, Stanton quyết tâm hiện đại hóa toàn bộ. Ông cho lắp đặt những máy se chỉ mới, mua mới các khung dệt vải, làm cho chúng có thể hoạt động nhanh hơn và khiến các nhà máy hoạt động hết công suất. Thế nhưng, Stanton vốn chỉ có chuyên môn trong việc sản xuất, ông không có một chút khái niệm nào về tài chính, dù là nhỏ nhất.

Điều gì đến thì cũng phải đến, cái mà Stanton quan tâm duy nhất chỉ là làm cách nào để nhà máy tiếp tục hoạt động. Vì thế, ông tiếp tục đổ tiền vào nhà máy, trong khi giá cả đầu ra không ngừng lao dốc khi vì sự cạnh tranh ngày càng gay gắt hơn. Năm 1962, năm mà công ty hoàn tất việc hiện đại hóa, cũng là lúc nó phải gánh chịu khoản lỗ khổng lồ lên đến 2.2 triệu đô la. Giá cổ phiếu của Berkshire Hathaway giảm không phanh chỉ còn chưa đầy 8$/ cổ phiếu.

Học trò cưng của Graham thì tất nhiên sẽ không để quên Berkshire Hathaway, ngay lập tức Buffett có mặt, theo tính toán của ông thì giá trị thực của công ty phải là 16.5 đô la, cái giá 8 đô la là một món hời hấp dẫn và ông quyết định mua vào ngay cả khi ngành công nghiệp dệt sợi đang gặp khó khăn.

Điều làm ông tin tưởng mãnh liệt hơn nữa vào quyết định của mình đó chính là ông nhận thấy mỗi khi công ty đóng cửa hoặc thoái vốn tại một nhà máy, nó thường mua lại cổ phiếu của chính mình và  Berkshire Hathaway đang làm điều này.

Buffett luôn hòa đồng và tôn trọng con cháu của Chace, những người vẫn tiếp tục làm việc tại Berkshire Hathaway nhưng lại có bất đồng mạnh mẽ với Stanton. Ông nói: “Năm 1964…tôi trở lại công ty và đến thăm người quản lý, ông Seabury Stanton. Ông ấy nhìn tôi và nói: “Ngài Buffett. Chúng tôi vừa bán một vài nhà máy. Chúng tôi đang có một số tiền thừa. Tôi muốn thương lượng với ông về việc mua lại cổ phiếu. Với mức giá nào, ông sẽ đồng ý bán lại cổ phần của mình? Và tôi trả lời, “11.5 USD”… Sau đó tôi quay về Omaha.

Vài tuần sau đó, tôi mở mail và thấy lời chào mua từ Berkshire Hathaway… Mức giá mà ông ta ghi chỉ là 11 và 3/8 USD. Ông ta đã hạ mức giá mua 1/8 USD. Nếu mức giá trong thư là 11.5 USD, tôi sẽ bán lại cổ phần của mình. Nhưng điều đó làm tôi phát điên lên. Tôi bắt đầu thu mua cổ phiếu để giành quyền kiểm soát công ty và sau đó sa thải Stanton”.

Khi Warren Buffett dồn hết toàn bộ số tiền của mình và cổ đông để kiểm soát Berkshire Hathaway vào năm 1965 thì đó cũng là lúc Stanton ra đi. Con người kiêu hãnh của vùng New England ra đi mang theo linh hồn của nghành dệt may ở Berkshire Hathaway đi vào dĩ vãng. Những năm sau đó Berkshire Hathaway gặp khó khăn nghiệm trọng, giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu hơn nữa và Buffett bắt đầu nghĩ đến chuyện bán khoản đầu tư này, chấp nhận thua lỗ.

Tuy nhiên điều đáng buồn là mặc dù đã sẵn sàng nhượng bộ với mức giá ưu đãi nhưng không ai sẵn sàng mua lượng cổ phiếu quá lớn của ông. Buffett bị kẹp lại tại Berkshire Hathaway và không thể thoát ra được.   Nhận ra sai lầm của mình, Buffett không tiếp tục tái đầu tư vào ngành dệt sợi nữa mà bắt đầu tìm hướng đi mới.

Năm 1967, ông mở rộng sang các lĩnh vực kinh doanh khác, tận dụng số tiền nhàn rỗi của công ty để sửa chữa chính sai lầm của mình. Ban đầu, ông thu mua các công ty bảo hiểm và sau đó là một loạt các doanh nghiệp khác nhau, bao gồm công ty bán lẻ Nebraska Furniture Mart, See’s Candies, Oriental Trading, chuỗi cửa hàng kem Dairy Queen, nhà sản xuất nội y Fruit of the Loom, hãng đường sắt Burlington Northern, hãng đầu tư Brazil 3G, hãng sản xuất sốt cà chua Heinz… Buffett thừa nhận việc theo đuổi ‘những cơ hội’ để cải thiện và mở rộng bộ phận dệt may trong suốt hai thập kỷ là “điều ngớ ngẩn” nhất mà ông từng làm.

Nhà đầu tư huyền thoại đã không nhận thức được ngay rằng, ngành dệt may thời đó sẽ liên tiếp ở trong cảnh thua lỗ và Berkshire Hathaway là một vũng lầy đối với chính ông và nhà đầu tư của ông.

Năm 1985 Buffett chính thức dừng các hoạt động liên quan dệt may và chuyển trụ sở Berkshire về quê hương của ông, Omaha.

Vì thế, Berkshire Hathaway giờ đây được biết đến như là một tập đoàn mà lượng tiền của nó luôn được chủ động phân bổ vào những nơi mang lại lợi nhuận cao nhất.

Hồi tưởng lại câu nói của Buffett: “Tôi không cần nhảy qua một hàng rào cao 2 mét, tôi chỉ tìm bức rào cao 30 cm để có thể bước qua”. Tôi lại ngẫm trong đầu mình, đến cha tổ của đầu tư giá trị tăng trưởng còn đôi lúc bỏ quên triết lý của mình thì những người bình thường việc một giây phút nào đó đi lạc “triết lý đầu tư” là điều khó tránh khỏi.

Cái quan trọng không phải là tôi ép mình luôn đúng trong mọi quyết định, cái quan trọng là tôi phải biết đứng lên tìm giải pháp và rút ra bài học sau mỗi lần vấp ngã, không ai hoàn hảo đến lỗi không mắc sai lầm.

Cảm ơn Buffett về hành trình của cuộc đời ông!

Trần Ngọc Báu

Viết cho vui!

Related Posts

Theo dõi
Thông báo của
guest
0 Góp ý
Phản hồi nội tuyến
Xem tất cả bình luận
0
Rất thích suy nghĩ của bạn, hãy bình luận.x